Sau gần 1 năm, chúng ta đã tưởng cuộc sống quay trở lại tình trạng “bình thường” mới sau dịch Covid. Gọi là mới, nhưng ngoại trừ một số hoạt động có thể bị cắt giảm do điều kiện kinh tế, chúng ta vẫn đắm mình vào một guồng quay đã cũ.
Và dịch bệnh quay lại, chúng ta lại nhẫn nhịn, hy vọng cuộc sống chóng trở lại “bình thường”. Hy vọng lũ trẻ sớm quay trở lại trường. Hy vọng chúng ta sớm quay trở lại công việc, không phải sấp sấp ngửa ngửa vừa làm vừa lo con học.
Thế nhưng – “Hy vọng” không phải là một chiến lược.
Lão Tử nói “Hy vọng thì cũng rỗng tuếch như là nỗi sợ hãi vậy”. Nghĩa là chỉ hy vọng thì không thay đổi được điều gì.
Nếu dịch kéo dài và bùng phát mạnh hơn thì sao?
Tất cả sẽ phải thay đổi để thích nghi. Trước hết là vì lũ trẻ.
Chúng ta đã quen với việc tống chúng đến trường từ sáng sớm đến chiều muộn, khi về nhà lại được nhồi cho một đống bài tập, vậy là chúng không còn thời gian để thắc mắc, để suy nghĩ, để tư duy và để … làm phiền ta. Và chúng ta rảnh nợ, xem một bộ phim, lướt Facebook rồi đi ngủ để ngày hôm sau tiếp tục vòng quay.
Nhưng với dịch, mọi thứ sẽ thay đổi.
- Những đứa trẻ đờ đẫn vì hàng giờ ngồi trước máy tính học online.
- Quy mô của các lớp học khiến việc học online cũng không còn hiệu quả nếu kéo dài.
- Và thời gian trống ở nhà có thể sẽ nhiều hơn, giống như thế hệ trước kia, nhưng chúng ta không thể đơn giản phó mặc cho Youtube.
Chúng ta có thể sẽ cần thay đổi những gì?
👉 Liệu rằng những đứa trẻ có thể bớt đi những thứ vốn vẫn đang cần học ở trường?
👉 Liệu rằng chúng ta có cần phải kiếm nhiều tiền đến mức mà chúng ta vẫn cày cuốc?
👉 Liệu rằng những trật tự ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta có nên như chúng vẫn là?
👉 Liệu rằng chúng ta có thể Say No với một số thứ vốn quen thuộc, để có thời gian và điều kiện Say Yes với một số thứ khác?
👉 Liệu chúng ta có thể dành nhiều thời gian cho việc sống chậm lại, thay vì quay cuồng làm làm làm, vật vã đuổi theo các thành công, các deadline? Kèm với đó là làm việc một cách thông minh hơn, hiệu quả hơn?
Tôi thì cũng dần quen với việc tạm dừng công việc của mình nếu không quá quan trọng, quá gấp để chơi đi chơi lại trò xếp hình hay chơi scrabble với mấy chiến hữu.
Thấy cũng vẫn ổn.
Phải chăng đó là điều mà dịch bệnh đang cố gắng dạy cho chúng ta?